Ngược dòng quá khứ thăm nhà cổ Hòa Vang

Nét cổ kính, tinh xảo, truyền thống… được giữ lại trong những ngôi nhà cổ tại một số thôn xóm thuộc H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã toát lên vẻ đẹp thu hút khác lạ giữa đời sống hiện đại.

Ngược thời gian…
Thành phố Đà Nẵng đang trên đà phát triển với những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên ngày càng nhiều. Trong khi đó, một số ngôi làng ven đô thuộc H. Hòa Vang vẫn còn giữ lại những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới vài trăm năm. Một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất là nhà ông Đỗ Hữu Minh (57 tuổi, trú thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn). Dọc con đường dẫn vào nhà ông, hàng cau nên thơ như đưa con người vào những câu chuyện ngày xưa của bà, của mẹ. Khu vườn rộng khoảng 3.500 m2 với những tán cây xum xuê tỏa bóng mát. Một chiếc hồ đầu ngõ tỏa ngát hương sen khiến không khí yên bình đến lạ.

Trong khu vườn, hai cụ già trong xóm được gia chủ nhờ hằng ngày đến quét dọn đang gom củi, quét lá cũng là hình ảnh khó kiếm được ở nơi Đà thành náo nhiệt. Trong nhà, bà Nguyễn Thị Huệ (80 tuổi), mẹ ông Minh đang mải miết ngồi gói bánh ít lá gai trên chiếc phản gỗ, chuẩn bị cho đám giỗ cụ thân sinh. Bà kể lại: “Thời cha tôi sinh ra đã có ngôi nhà này rồi. Tôi nghe kể lại ông nội tôi cùng một số người kéo xe bò ra Huế và một số tỉnh khác mua gỗ mít về làm nhà, 3 năm sau mới mua được đủ gỗ. Sau đó, phải vào tận làng mộc Kim Bồng rước thợ về làm, sau 3 năm xây dựng mới hoàn thành, hết cả thảy hơn 3.000 công thợ”. Đôi tay bà thoăn thoắt gói bánh. Ở cái tuổi như bà, hiếm người mạnh khỏe, minh mẫn như thế. Thời hiện đại như bây giờ, ở phố phường, chỉ cần ra chợ là món bánh nào cũng có, thế nhưng gia đình bà vẫn giữ những nét riêng của người xứ Quảng là tự làm các loại bánh truyền thống cho các dịp giỗ chạp.

Bà bảo: “Gần 5 năm nay, bà chỉ ở nhà đón khách. Khách tây đến nhiều lắm, có ông cao gần tới nóc nhà… Họ tham quan, quay phim, chụp hình xong thì nói bà nấu cơm và những món ăn truyền thống để họ thưởng thức, họ rất thích xem gói bánh”. Bên trong, ngôi nhà cổ được thiết kế theo kiểu ba gian hai chái, mái ngói lợp kiểu âm dương (có tới 5 lớp ngói). Với chiều dài 14m, rộng 10m, từng nét hoa văn, trạm trổ cũng được bảo quản đến từng chi tiết dù rêu phong đã phủ đầy bên ngoài theo thời gian. Trong ngôi nhà cổ của ông Đỗ Hữu Minh vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của cha ông, những kỷ vật thời chiến tranh. Tại chính ngôi nhà này, trong chiến tranh là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng… Vẻ đẹp của rặng tre um tùm, cây mai cổ thụ 100 tuổi đang trổ những bông hoa muộn hay chiếc cối xay gió cổ xưa… như níu bước chân chúng tôi ở lại.

1
Ngôi nhà cổ thứ 2 chúng tôi dừng chân là từ đường của gia đình ông Đặng Công Thương (1960, thôn Túy Loan Tây 1, Hòa Phong) cũng có tuổi đời trên dưới 200 năm. Với kiến trúc tương tự hai gian ba chái nhưng nhà ông Thương còn lưu giữ cẩn thận 4 bức khảm trai, khay cổ, tách trà cổ, lư đồng và nhiều vật dụng tinh xảo được làm từ 4 đời trước. Ngôi làng bên cạnh, gia đình bà Đặng Thị Túy Phong (74 tuổi) lại giữ được tấm bảng “tứ đại đồng đường” do vua Bảo Đại trao. Bà nhớ lại: “Tôi lớn lên đã có bảng này treo trong nhà, chỉ nghe những thế hệ trước nói, ngày ấy cả làng biết gia đình tôi được nhận bảng vàng nên già, trẻ, gái, trai đều đi rước về. Vui lắm”.

2

Cần bảo tồn, phát huy
Mỗi ngôi nhà cổ mà chúng tôi đến đều có những nét đẹp riêng nhưng qua năm tháng tất cả đều đã xuống cấp. Ông Đặng Công Thương cho biết: “Các bộ phận như rui, ngói… đã mục nát làm nhà dột nhiều về mùa mưa nhưng để sửa chữa rất công phu vì loại ngói này phải vào Hội An đặt trước, loại rui, gỗ cũng rất khó tìm, kinh phí cao mà gia đình chỉ sống dựa vào nông nghiệp nên không có điều kiện sửa chữa”. Cũng như ông Thương, ngôi nhà cổ của gia đình bà Phong đã hư hết ngói nên cách đây vài năm bà phải mua tôn để lợp thay. Nét đẹp của những ngôi nhà cổ cũng vì thế mà mai một.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 70 ngôi nhà cổ, trong đó Hòa Vang chiếm 80% số lượng. Ông Hồ Tấn Tuấn-Giám đốc Trung tâm quản lý di sản Đà Nẵng, cho biết: “Hiện tại, trung tâm đang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện chuyến khảo sát di sản tại H. Hòa Vang và một số quận huyện khác. Qua đó sẽ xác định giá trị và lên phương án bảo vệ, xây dựng thành điểm du lịch…”. Thiết nghĩ những ngôi nhà cổ có nét đẹp và mang dáng dấp cổ kính, thân thuộc với bất cứ người Việt nào như thế cần có cách bảo tồn kịp thời và khai thác bằng những hướng đi đúng.

Leave a Reply